Việt Nam đã mở cửa thị trường từ năm 1991 và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007. Từ đó, dòng chảy đầu tư nước ngoài cũng như người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Hệ thống pháp luật cũng dần dần thích nghi và linh hoạt hơn nhằm điều chỉnh các vấn đề về người lao động nước ngoài và giấy phép lao động. Bộ luật lao động mới 2012, có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, và Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 mới đây, có hiệu lực từ ngày 01/11/2013 (“Nghị định 102”) lại một lần nữa thay đổi một số quy định, và thiết nghĩ chúng tôi cần cập nhật cho các bạn một số thông tin mới nhất về vấn đề nêu trên.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 172 Bộ luật lao động 2012 thì chỉ có một số trường hợp sau đây người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mới được miễn giấy phép lao động.
1. Chủ sở hữu công ty hoặc người đứng đầu văn phòng đại diện
“Thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần” được miễn giấy phép lao động theo Khoản 1, 2 Điều 172 Bộ luật lao động mới. Chúng ta có thể hiểu rằng Tổng Giám đốc/Giám đốc của một công ty thì KHÔNG được miễn giấy phép lao động (quy định trước đây là được), trừ phi họ vừa đảm nhiệm vị trí Giám đốc vừa là thành viên hoặc chủ sở hữu của công ty đó. Trong khi đó, “Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam” thì lại được miễn giấy phép lao động, thậm chí khi họ được thuê hay được thuyên chuyển nội bộ từ công ty mẹ. Quy định này dẫn đến một thắc mắc rằng tại sao Giám đốc của một công ty thì không được miễn giấy phép lao động trong khi Trưởng văn phòng đại diện thì có thể. Việc miễn trừ giấy phép lao động cho Trưởng văn phòng đại diện có lẽ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, bởi vì trường hợp này đã được thay đổi bốn lần kể từ Bộ luật lao động 1994 có hiệu lực đến nay.
2. Đinh cư ngắn hạn ở Việt Nam
Người lao động nước ngoài được miễn giấy phép lao động nếu họ làm việc tại Việt Nam ít hơn ba (03) tháng, để thực hiện “chào bán dịch vụ”, hoặc “xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được”. Vấn đề ở đây là những người này đến Việt Nam để giúp xử lý những khó khăn mà các chuyên gia Việt Nam không xử lý được, vì vậy họ khó có thể biết được chính xác khó khăn đó sẽ kéo dài bao lâu và mất bao nhiêu thời gian để xử lý nó. Do đó, quy định trên dường như là bất hợp lý khi giới hạn khoảng thời gian để giải quyết những vấn đề khó khăn. Ngoài ra, tiêu chí để nộp thuế là một người phải định cư ít nhất sáu (06) tháng, vậy nên sẽ hợp lý hơn nếu hai khoảng thời gian này tương ứng với nhau.
3. Những hoạt động đặc biệt
– Một luật sư nước ngoài không phải là đối tượng để cấp giấy phép lao động chung. Tuy nhiên, để hành nghề luật ở Việt Nam, một luật sư nước ngoài phải được Cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tư pháp) cấp một Giấy phép hành nghề riêng biệt. Giấy phép này được coi là một loại giấy phép lao động đặc biệt (quy đinh chi tiết tại Luật luật sư).
– Những người hành nghề báo sẽ được Bộ Ngoại giao cấp một giấy phép hoạt động thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
4. Các hiệp định quốc tế và lĩnh vực giáo dục
Bộ luật lao động 2012 đã quy định một số điều khoản mới phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam hiện nay. Việc miễn trừ giấy phép lao động “theo quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã gia nhập WTO và trở thành thành viên của càng ngày càng nhiều các Hiệp định và Điều ước quốc tế. Ngoài ra, việc miễn giấy phép lao động cho “học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam” thể hiện rằng giáo dục là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ chú trọng nhất và việc trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và nước ngoài hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy nền giáo dục nước nhà phát triển.
Ngoài những trường hợp được phân tích ở trên, Nghị định 102 còn quy định thêm các trường hợp khác trong đó giấy phép lao động được miễn trừ. Một số trường hợp đã được đề cập ở Nghị định 46/2011 (sửa đổi bổ sung Nghị định 34/3008/NĐ-CP về lao động nước ngoài). Đặc biệt, quy định miễn giấy phép lao động cho trường hợp “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới” đã được quy định từ năm 2011 nhưng hoàn toàn không khả thi trên thực tế. Bộ Công thương là cơ quan được giao nhiệm vụ ban hành hướng dẫn căn cứ, thủ tục để xác định người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vị 11 ngành dịch vụ nêu trên, tuy nhiên đến nay thì vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào được ban hành cả. Vì vậy, chúng ta có nên tiếp tục hy vọng Bộ công thương sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn vấn đề trên trong tương lai?
Những trường hợp khác trong Nghị định 102 chi tiết hóa một số quy đinh trong Bộ luật lao động 2012 về các Điều ước quốc tế và lĩnh vực giáo dục. Ví dụ, “giáo viên của cơ quan, tổ chức nước ngoài được cử sang Việt Nam giảng dạy ở các trường quốc tế; những người có trình độ thạc sỹ trở lên thực hiện giảng dạy, nghiên cứu ở cơ sở giáo dục hoặc tương đương; người lao động nước ngoài vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế “…Những đối tượng này phải có văn bản xác nhận hoặc văn bản thông báo của cơ quan quản lý xác nhận mục đích họ đến Việt Nam. Hơn nữa, tất cả các trường hợp thuộc diên được miễn giấy phép lao động đều phải làm hồ sơ trình Sở Lao động – Thương binh – Xã hội xác nhận rằng họ thuộc diện được miễn giấy phép lao động trước khi bắt đầu công việc ở Việt Nam (Điều 8 Nghị định 102). Đây là quy định mới trong Nghị định 102. Tuy nhiên, quy định này có thật sự hiệu quả khi mà họ thuộc đối tượng được miễn giấy phép lao động nhưng phải làm hồ sơ, thủ tục xin xác nhận điều đó? Có thể đây là một trong những cách thức giúp Nhà nước thắt chặt quản lý đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam, nhưng dường như nó lại làm cồng kềnh thêm các thủ tục hành chính, và vô hình chung phủ nhận ý nghĩ của việc miễn trừ giấy phép lao động.
Bên cạnh đó, Nghị định 102 còn đặt nặng trách nhiệm cho người sử dụng lao động, rằng họ phải nhận được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cho phép thuê lao động nước ngoài.
Kết luận, chúng ta có thể nói rằng những quy định mới nhất về vấn đề giấy phép lao động quy định trong Bộ luật lao động 2012 và Nghị định 102 mang tính thực tiễn và chi tiết hơn những quy định trước đó. Tuy nhiên, tính khả thi của nó thực sự đến mức nào thì cần phải được chứng minh trong quá trình thực hiện và áp dụng trong thực tế. Những quy định mới này được trông đợi sẽ góp phần vào sự phát triển của thị trường lao động nói riêng cũng như nền kinh tế của Việt Nam nói chung.
Chúng tôi hy vọng bài viết này đã cho bạn một cái nhìn tổng quát về vấn đề người lao động nước ngoài và giấy phép lao động ở Việt Nam hiện nay. Để hiểu thêm chi tiết về các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty chúng tôi.
Nguyễn Minh Tuyền